Việt Nam học
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:34 am

Đàn đá
Nhạc khí tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi nhạc cụ là một bộ gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ. Vật liệu để làm đàn là những loại đá sẵn có ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1185365_1
Căn cứ vào bộ đàn tìm được ở di chỉ khảo cổ học Bình Đa (Đồng Nai) được biết rằng việc chế tác những thanh đá này đã xuất hiện từ trên dưới 3.000 năm trước.

Cho tới những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ 20) đã tìm được gần 200 thanh đàn đá rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hoà, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên. Số lượng thanh ở mỗi tập hợp được phát hiện là 3 - 15. Bộ đầu tiên tìm được tại Ndut Lieng Krak (Đắk Lắk) vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng "Con người" ở Paris. Nhiều bộ khác đang được bảo quản tại Việt Nam.

Một số tộc ở Tây Nguyên coi những thanh đá được phát hiện như những vật thiêng và giữ gìn như của gia bảo. Có tộc dùng chúng trong những lễ hội lớn để cúng thần, có tộc lại dùng làm dàn đá giữ rẫy.


Được sửa bởi ngày Tue Dec 04, 2007 8:40 am; sửa lần 2.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:35 am

Cồng chiêng Tây Nguyên
™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1185363_1 Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 60cm, loại cực đại từ 90 đến 120cm.

Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.

Ở buôn làng người Mường và nhiều tộc dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu.

Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng.

Ở nhiều tộc chỉ nam giới mới được đánh cồng chiêng. Dàn cồng sắc bùa của người Mường lại do nữ giới diễn tấu. Ở một số tộc khác nam và nữ đều có thể đánh cồng chiêng. Các kiêng kỵ trong cách sử dụng cồng chiêng cũng khác biệt ở mỗi tộc.

Với tộc Mường và nhiều tộc ở Tây Nguyên cồng chiêng có một ý nghĩa lớn và giá trị cao. Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ. Chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn.

Nhìn chung, cồng chiêng là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khoẻ và may mắn...

Ở Trường Sơn - Tây Nguyên, âm thanh của chúng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.


Được sửa bởi ngày Tue Dec 04, 2007 8:39 am; sửa lần 1.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:37 am

Ném còn
™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1185355_1 ném còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân

Với người Việt cổ xưa, trò chơi này thường dành cho giới nữ, con nhà quý phái, xưa kia là các mỵ nương, con gái Lạc hầu, Lạc tướng. Đối với các dân tộc Mường, Tày, H’mông, Thái... ném còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân.



Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.

Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó. Các quả còn khác của các gia đình lúc này mới được tung lên như những con chim én.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1185357_2 Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng
Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).

Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài hò reo cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích. Trò vui này mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm - dương, mùa màng tươi tốt.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:45 am

Lễ hội Lộc hoa của người Xinh Mun ở Sơn La

Trên dải đất biên giới Việt - Lào ở Sơn La, ngoài các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống, còn có khoảng ba bốn vạn bà con Xinh Mun định cư lâu đời. Xinh Mun nghĩa là người ở núi, trước đây còn gọi là người Puộc (Côn Pụa).

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1180930_1 Hoa ban trắng
Tuy kinh tế chậm phát triển, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong cộng đồng Xinh Mun cũng có những nét đẹp văn hoá đặc trưng. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã mọc ngoài rừng, cũng là dịp bà con Xinh Mun, từng nhà từng nhà tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ, nghĩa là Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Lộc hoa được tổ chức vào sau dịp Tết Nguyên Đán, lần lượt tổ chức từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội, lễ hội kéo dài, nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn, măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương (đầu tháng 4 dương lịch) đã bắt đầu, để không ảnh hưởng đến sản xuất.

Tuy lễ hội tổ chức trong từng nhà, nhưng lại là dịp hội tụ dân bản vì ai cũng tự giác tham gia, ai làm trái lệ dễ bị chê cười, ghét bỏ, thậm chí có thể bị loại ra khỏi cộng đồng.

Gọi là lễ hội nhưng không tốn kém vì được tổ chức đơn giản. Mâm lễ hội, ngoài 2 con gà luộc, một "ếp" xôi gạo mới, 1 đĩa trầu cau, ba chum rượu cần, là 2 bát canh nấu từ hoa ban và măng đắng - một món cúng thần linh, tổ tiên có tính bắt buộc.

Một cây nêu cao 4-5m dựng ở giữa nhà, được trang trí bằng những lá xanh, những cành hoa ban trắng ngần buộc gài kín cây nêu, ngoài ra bà con còn gài thêm những bông lúa nếp vàng được giữ nguyên sau khi gặt mùa năm trước, xung quanh cây nêu có ba vò rượu cần, đặc biệt có từ 3 đến 5 "bàn sang" - 1 loại nhạc cụ được "chế tạo" từ các chum, vò con, bên trong được làm bằng mảnh đồng mỏng, hình tròn đục thủng một lỗ ở cạnh mép nắp, để xỏ dây vào khi gõ một tay cầm dây nâng lên, hạ xuống trên miệng chum, tay bên kia cầm 1 que tre gõ nhịp nhàng lên nắp chum, tạo nên một âm hưởng mang đậm bản sắc dân tộc quện vào tiếng trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc dịu dàng, khi bùng lên sôi nổi thúc giục mọi người vào hội xoè quanh cây nêu.

Lễ hội được bắt đầu khi chủ nhà (chủ lễ) ngồi nghiêm chỉnh bên cạnh mâm lễ khấn: Hỡi người trông coi ở tầng dưới hãy lên để trông coi cho ta hôm nay làm Lễ Ksai Sai Típ, thần linh hãy bảo vệ, hãy ăn hoa thay cơm, uống rượu thay măng, ăn hương thay hương thơm, ăn hương nếp thay cơm, ăn rồi hãy bảo vệ cho cuộc vui lành mạnh, cho hết ốm đau, cho vui trọn vẹn. Người lớn bảo nhau, trẻ em nghe lời người lớn, được vậy thì ước gì cũng có, sống lâu muôn tuổi, hỡi thần linh hãy bảo vệ hãy ngồi mâm đây ăn thịt, ăn hoa, ăn hương thơm, hãy phù hộ cho con cháu khoẻ như con gấu trong rừng, chạy nhanh như con hoẵng ngoài núi.

Rời mâm cỗ cúng ở góc nhà sàn, chủ lễ bước đến cạnh cây nêu giữa nhà, vít cần rượu nói lời mời tổ tiên uống trước bằng những lời trân trọng, thiết tha: "Hỡi tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày sản xuất đã được nhìn thấy kết quả, con cháu làm lễ hội Ksai Sa típ, tổ tiên hãy đến bảo vệ cho con cháu ăn uống vui vẻ, vui chơi thoả mái, nhưng xin hãy đừng để cho ai uống say làm náo loạn bản mường, cãi cọ nhau làm xấu hổ mọi người, năm nay vui, năm mới vui tiếp, như thế mới vui bản yên mường, ai cũng sống lâu muôn tuổi, gìn giữ cuộc sống, chống lại thú rừng, người xấu quấy phá". Chủ lễ tiếp tục mời thần linh uống rượu: "Hỡi thần linh, bảo vệ ta, hãy bảo vệ ta đến cùng, xin mời thần linh uống rượu cùng ta".

Sau khi mời tổ tiên, thần linh uống rượu xong, chủ lễ trân trọng mời ba "già bản" có uy tín trong dòng họ, trong bản mường, sau đó mời đến con cháu, và toàn thể dân bản đến dự lễ hội uống rượu.

Cùng lúc tiệc rượu bắt đầu là tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc từ nhạc cụ "bàn sang" nổi lên rộn rã, mọi người nắm tay bắt đầu múa xoè xung quanh cây nêu giữa nhà. Khác với xoè Thái êm dịu, nhẹ nhàng, xoè quanh cây nêu lễ hội Lộc hoa rộn ràng, mạnh mẽ, có phần quyết liệt hơn, ồn ã hơn nhiều, xoè múa say sưa, lúc cầm tay nhau, lúc xoè khan, lúc dùng khăn nối vào nhau, tạo thành điệu xoè kéo co (xoè Thái không đâu có). Xoè khoảng 1 giờ, tiếng trống tiếng nhạc trầm dần, họ lại mời nhau uống rượu cần, rồi lại tiếp tục xoè, hết đợt này đến đợt khác, kéo dài đến lúc phương đông hửng sáng mới kết thúc, mọi người hoan hỉ xuồng cầu thang về nhà, để đến tối hôm sau lại đến dự Lễ hội ở nhà người trong họ hoặc cùng mường cho đến khi hoa ban đã tàn, măng đắng mọc cao.

Hoàn toàn khác lễ hội của các dân tộc anh em, lễ hội Ksai sa típ của người Xinh Mun Tây Bắc tuy kéo dài nhiều ngày nhưng không ăn uống linh đình, chỉ múa không có hát, vừa giản dị vừa vui, thường được tổ chức từng gia đình, vào buổi tối ấm cúng nên rất vui, thể hiện được bản sắc văn hoá của một dân tộc sống nơi biên giới Việt - Lào xa xôi.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:46 am

Lễ hội "chạy lợn" ở Hà Tây

Hồi còn nhỏ bọn trẻ chúng tôi vẫn gọi đình Thượng làng Duyên Yết là "đình chạy lợn", vì năm nào chúng tôi cũng được xem "chạy lợn" ở đây vào dịp sau Tết. Lễ hội "chạy lợn" đã gây cho bọn trẻ chúng tôi một ấn tượng không thể phai mờ
™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1179115_1 Mâm cỗ khi mang lên tế thần phải có đủ 10 thứ theo quy định của lễ hội như: thủ, vĩ, tim, gan, bầu dục, thịt vai, thịt mông,v.v.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giặc chiếm quê tôi, đau thương tang tóc bao phủ xóm làng, từ đó không còn hội làng nữa, và lễ hội "chạy lợn" cũng đi vào dĩ vãng. Những tưởng lễ hội "chạy lợn" của làng tôi đã vĩnh viễn mất đi. Nhưng may thay, nó lại được khôi phục trở lại.

Ấy là vào dịp tháng 04.1999, làng tôi tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa. Lớp người quê tôi từ 50 tuổi trở xuống không ai biết "chạy lợn" là thế nào.

Sự tích về lễ hội "chạy lợn"

Đời vua Hùng Vương thứ 18, có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển, hành quân qua đây để đánh đuổi giặc. Các vị bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng, nhưng yêu cầu phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc.

Từ đó hằng năm, cứ vào ngày 7-1 âm lịch, dân làng lại mở hội "chạy lợn" để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân cá nước thời xa xưa.

Từ "chạy" ở đây có ý nghĩa là "thật nhanh" - mổ lợn thật nhanh, làm cỗ thật nhanh, chớp thời cơ để thắng giặc.

Con lợn được đem ra lễ hội "chạy lợn" phải được nuôi hết sức cẩn thận. Trước lễ hội 10 ngày, chỉ cho ăn cháo gạo nếp, tắm rửa bằng nước lá thơm sạch sẽ mỗi ngày.

Khi rước lợn vào đình, phải đặt lợn nằm trong một cũi sơn đỏ.

Mỗi xóm cử ra 2 thanh niên cường tráng chưa vợ, đầu đội khăn đỏ, quấn thắt lưng đỏ. Cả 10 tráng đinh tề chỉnh, khiêng 5 con lợn của 5 xóm, quỳ trước sân đình chờ lệnh.

Khi tiếng trống lệnh nổi lên, lập tức khiêng lợn về vị trí giết mổ. Ở đây đã chờ sẵn, những trai trẻ được phân công mổ lợn làm cỗ. Người cầm con dao to và dài tì vào cổ con lợn, người khác cầm chiếc vồ to giáng mạnh vào sống dao, chiếc thủ lợn văng ra, 2 người cầm chiếc thủ lợn nhúng vào nồi nước sôi, và làm sạch lông chiếc thủ lợn trong nháy mắt, rồi lại tiếp tục luộc thủ lợn vào nồi nước đang sôi sùng sục.

Những người trong đội "chạy lợn" của mỗi xóm, được phân công mỗi người lấy một thứ trong con lợn, và làm chín để bày vào mâm cỗ.

Mâm cỗ khi mang lên tế thần phải có đủ 10 thứ theo quy định của lễ hội như: thủ, vĩ, tim, gan, bầu dục, thịt vai, thịt mông,v.v. và nhất thiết phải có lá mỡ chài, phủ lên thủ lợn để trang trí cho mâm cỗ thật đẹp thì mới được chấm điểm.

Các cụ giám khảo còn ra khám con lợn sau khi giết mổ, con lợn nào bị thủng ruột và mổ phanh ra để lấy lục phủ ngũ tạng, đều không được chấm điểm. Các vết mổ trên mình lợn phải nhỏ gọn, kín đáo, trông như con lợn còn nguyên vẹn, trừ cái đầu bị chặt để mang đi tế thần.

Từ lúc con lợn được khiêng về vị trí giết mổ, đến khi mâm cỗ tượng trưng được làm xong và đem vào tế thần chỉ hết từ 2 đến 3 phút, chậm hơn sẽ không được chấm điểm. Thật là một kỷ lục hiếm thấy!

Sôi động nhất là khi rước cỗ vào tế thần, trống thúc liên hồi, tiếng hò reo và những động tác khua dao, múa gậy của những người "chạy lợn" chạy theo mâm cỗ, của những người xem hội hò la cổ vũ các trai làng khiêng cỗ vào tế thần, làm vang động cả sân đình.

Lễ hội "chạy lợn" đã để lại cho người xem một ấn tượng khó quên.

Ngoài lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, lễ hội "chạy lợn" ở Duyên Yết, Hồng Thái (Phú Xuyên, Hà Tây) cũng là một lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang nặng nghĩa tình quân dân cá nước xưa nay.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:48 am

LIỆT NỮ NƯỚC VIỆT
Pho tượng độc đáo tại đền thờ Vua Lê Đại Hành


™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1180316_photuong Ðó là pho tượng Thái hậu Dương Vân Nga. Ðây là một pho tượng nữ đẹp với khuôn mặt bầu, nước da hồng, đôi mắt bồ câu. Tuy khuôn mặt có tính ước lệ của những khuôn mặt Phật, nhưng vẫn có nét sinh động của người phụ nữ thanh tú.



Dương Vân Nga lấy Ðinh Bộ Lĩnh lúc còn trẻ. Khi Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đã phong bà làm Chánh cung Hoàng hậu, gánh vác việc nội trợ của cả triều đình.

Khi Ðinh Tiên Hoàng mất, con của ông và bà Dương Vân Nga là Ðinh Toàn mới có sáu tuổi đã lên ngôi vua hoàng đế. Nhân cơ hội đó, giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Ðất nước lúc đó ở trong tình trạng "nghìn cân treo sợi tóc". Trước nguyện vọng của nhân dân và quân đội, thái hậu Dương Vân Nga đã hy sinh quyền lợi của con mình, lấy áo long cổn của vua Ðinh trao cho Lê Hoàn lên ngôi hoàng để tổ chức cuộc chống Tống. Sau khi chiến thắng quân xâm lược Tống, Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm Ðại Thắng Minh hoàng hậu, gánh vác việc nội trợ của triều đình nhà Lê.

Chính vì có công "gánh vác cả đôi sơn hà", nên sau khi mất bà Dương Vân Nga được nhân dân tạc tượng để thờ. Tương truyền xưa kia tượng bà Dương Vân Nga được thờ ở đền vua Ðinh. Ðến thời hậu Lê, viên quan cho rằng "xuất giá tòng phu", nên mới rước bà sang đền vua Lê, nhưng người ta vẫn để bà quay mặt về phía đền vua Ðinh với ý nghĩa là bà vẫn có tình nghĩa với nhà Ðinh.

Có một điều rất độc đáo là bức tượng bà Dương Vân Nga có chiều sâu nội tâm thay đổi theo 3 góc nhìn khác nhau. Nếu nhìn chính diện, ta thấy bà hiện lên như một bậc mẫu nghi thiên hạ, đoan trang, phúc hậu, hơi có vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng. Nếu nhìn nghiêng theo bên phải (từ trong ra) bà hiện ra với khuôn mặt buồn bã, tựa như khi chứng kiến cảnh đất nước trước nguy cơ "nghìn cân treo sợi tóc". Còn nhìn nghiêng theo bên trái (từ ngoài vào) ta lại thấy khuôn mặt ấy đã thay đổi: gương mặt bà thanh thoát, tươi tắn hơn với nụ cười mỉm. Cái tài hoa của người tạc bức tượng là ở chỗ: vẫn là một con người nhưng nhìn từ những góc độ riêng ta sẽ thấy hiện lên ba gương mặt, ba tâm trạng khác nhau
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:50 am

Nghi thức lễ gia tiên
™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1177919_1

Việc cúng bái tổ tiên bao giờ cũng do gia trưởng làm. Gia trưởng là người thực hiện mọi lễ nghi trong gia đình.

Mỗi lần cúng lễ đều có đồ lễ. Đồ lễ thường gồm trầu rượu, hoa quả, vàng hương và nước lạnh, nhưng trong trường hợp bất thần đêm hôm, đồ lễ có thể giảm xuống mức tối thiểu và chỉ cần một chén nước lạnh, một nén hương thắp trên bàn thờ là đủ. Ngoài những đồ lễ tối thiểu trên, tuỳ theo các gia chủ giầu nghèo và tuỳ những buổi lễ, đồ lễ có thể gồm nhiều thứ khác như xôi chè, oản chuối hoặc cỗ mặn, có khi thêm đồ mã.

Sau khi đồ lễ đã được đặt trên bàn thờ, gia trưởng khăn áo chỉnh tề thắp hương cắm lên bình, rồi đứng trước bàn thờ khấn. Trước khi khấn, gia trưởng vái ba vái và khi khấn xong gia trưởng lễ bốn lễ thêm ba vái, ta gọi là bốn lễ rưỡi.

Cũng có nhà có đỉnh trầm. Đỉnh trầm được đốt trước, khi cúng gia trưởng chỉ việc khấn vái thôi.


Hương thắp trên bàn thờ, bao giờ cũng thắp theo số lẻ một, ba, năm.... nén, vì số lẻ thuộc âm. Hương vòng được thắp sao cho khi nhìn từ dưới lên sẽ cháy theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.

Sau khi gia chủ khấn lễ xong, các người khác trong gia đình cũng lần lượt tới lễ trước bàn thờ bốn lễ rưỡi.

Ngày nay, tại các đô thị, người ta lấy vái thay lễ. Trước khi khấn người ta vái ba vái ngắn, khấn xong vái thêm bốn vái dài và ba vái ngắn nữa thay cho bốn lễ rưỡi.

Sau khi mọi người đã lễ vái xong, người ta chờ cho tàn một tuần hương (tức là những nén hương thắp lên cháy gần hết), gia trưởng tới bàn thờ lễ tạ. Lễ tạ xong hạ vàng mã trên bàn thờ xuống đem hoá. Lúc hoá vàng người ta lấy chén rượi cúng đổ vào đống tàn vàng. Sau khi lễ tạ, đồ lễ có thể được hạ xuống. Hoá vàng xong coi như các cụ đã về cõi âm.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:52 am

Chém trâu tế thần của người Chăm Lạc Tánh

Nếu như lễ hội đâm trâu là một nét văn hóa đặc trưng mang tính phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thì đối với người Chăm nghi lễ chém trâu tế thần rất hiếm khi diễn ra. Có thể nói lễ chém trâu được coi là một phong tục độc đáo mang tính riêng biệt của cộng đồng người Chăm Lạc Tánh
™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1165787_1 Khung cảnh đền thờ đông vui nhộn nhịp, dân làng tập trung đông đúc về đền để chứng kiến lễ chém trâu tế thần.

Lễ chém trâu tế thần được tổ chức vào tháng 4 Chăm lịch để dâng cúng cho Pô Rum Păn và các vị thần linh. Khác với người Chăm ở các địa phương khác phải đúng chu kỳ 7 năm một lần họ mới tổ chức lễ chém trâu để dâng cúng thần linh. Như lễ tế 1 con trâu trắng tại núi Đá Trắng của người Chăm Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Người Chăm ở Lạc Tánh năm nào cũng tế một con trâu cho thần linh tại đền Pô Rum Păn. Người Chăm Lạc Tánh quan niệm rằng cuộc sống và mùa màng của dân làng hoàn toàn phụ thuộc vào ngài, do đó phải dâng tế trâu cho ngài để ngài vui và phù hộ, ngược lại ngài sẽ giận dữ và quở trách. Theo họ, sau một năm làm ăn dù mùa màng có bội thu hay thất vụ thì dân làng cũng phải hiến tế cho ngài một con trâu để tạ lễ.

Lễ chém trâu (Săm lé) diễn ra vào tháng tư Chăm lịch trong thời gian một đêm một ngày. Ngay từ chiều hôm trước dân làng tiến hành đưa con trâu tế thần đến buộc tại đền thờ. Theo tập tục thì con trâu tế thần phải là trâu đực lành lặn không bị thương tật, tốt nhất là trâu trong khoảng từ 3-5 tuổi.

Chiều tối hôm đó, các chức sắc trong làng họp mặt đông đủ tại đền thờ Pô Rum Păn để làm nghi thức khấn báo các vị thần xin phép làm lễ chém trâu vào sáng hôm sau.

Sáng hôm sau khung cảnh đền thờ đông vui nhộn nhịp, dân làng tập trung đông đúc về đền để chứng kiến lễ chém trâu tế thần. Theo tập tục sáng sớm hôm đó các chức sắc có vai vế đến gia đình người giữ thanh kiếm báu làm nghi thức xin thỉnh rước thanh kiếm về đền để thực hiện nghi lễ chém trâu. Khi kết thúc nghi lễ chém trâu, các vị chức sắc đưa kiếm trở lại nhà người giữ kiếm và phải thực hiện nghi lễ như lúc xin thỉnh rước kiếm đi.

Trước khi thực hiện nghi lễ chém trâu, thầy Bóng chính (Ka-Ing) và hai thầy Bóng phụ làm nghi thức khấn báo, mời gọi Pô Rum Păn và 11 vị thần khác gồm: Pô Sah Inư, Pô Klong Ga Rai, Pô Nít, Pô Ôn… và các chức sắc đã khuất về hưởng lễ và cho phép dân làng được chém trâu tế thần. Lễ vật trong nghi thức này gồm có nước, rượu, trà, trầu cau, trứng và 3 thúng gạo. Số gạo lễ trên sau đó sẽ được nấu thành cơm cùng với các món thịt trâu đã nấu chín để cúng tế thần một lần nữa. Những lễ vật này mang đặc trưng lễ nghi nông nghiệp truyền thống của một cư dân có nền văn minh lúa nước.

Thực hiện xong nghi thức khấn báo, mời gọi 12 vị thần, thầy Bóng chính và 2 thầy Bóng phụ cùng choàng khăn đỏ vào cổ, riêng thầy Bóng chính choàng thêm lên đầu một chiếc khăn đỏ. Thầy Bóng chính lấy thanh kiếm báu tuốt vỏ ra, dùng khăn vuốt dọc lưỡi kiếm, hai tay vác kiếm mũi hướng lên trời, cả ba thầy Bóng theo trình tự: đi đầu là thầy Bóng chính, theo sau là hai thầy Bóng phụ và hai thầy trò ông Săm lé (người chém trâu) từ từ đi qua cửa chính và cổng chính của đền, tiến về con trâu đã buộc sẵn bốn chân và miệng ngay phía trước cổng đền. Con trâu được đặt nằm nghiêng, mặt và bụng quay về cửa đền, lưng quay về phía mặt trời mọc, cổ trâu đặt trên một lỗ đào sẵn sâu 40cm, đường kính 45cm.



Trước khi thực hiện nghi thức chém trâu, thầy Bóng chính vác kiếm đi đầu, phía sau là hai thầy Bóng phụ và hai thầy trò ông Săm lé cùng đi ba vòng theo chiều kim đồng hồ quanh con trâu, cứ mỗi vòng thầy Bóng chính dùng đầu ngón bàn chân phải làm phép vẽ bùa xuống đất (2 lần dưới 4 chân trâu và 1 lần chỗ đuôi trâu) để mời gọi 3 vị thần về giữ trâu (1 vị giữ 2 chân trước, 1 vị giữ 2 chân sau và 1 vị giữ đuôi trâu). Kế đó ông lấy đất vẽ bùa làm phép trên cổ trâu, lấy nước rửa sạch cổ trâu 3 lần và kê miệng sát vào tai trâu cầu khấn: "Mày sẽ lên thiêng đàng, mày không có tội lỗi gì, mày là vật dân làng hiến tế cho thần linh, hãy mang những ước nguyện của dân làng đến với thần linh…".



Khấn xong ông lấy thanh kiếm có kẹp một chùm lá làm động tác chém tượng trưng lên cổ trâu, sau đó thanh kiếm được trao lại cho ông Săm lé. Ông Săm lé kề miệng sát vào tai trâu đọc câu thần chú: Cầu cho linh hồn mày được về cõi trên, nơi đó có nhiều cỏ để ăn và nước để uống cho mày béo mập, thịt trâu xin dâng lên cho Pô Rum Păn và các vị thần hưởng, xương trâu giao cho thần đất, cát; lông trâu giao cho thần lửa; máu trâu tế cho thần đất. Sau đó ông lấy nước rửa cổ trâu 3 lần, dùng ngón tay điểm chỉ lên lưỡi kiếm rồi chém vào cổ trâu. Trong quá trình chém trâu, ông Săm lé luôn ấn chặt lưỡi kiếm vào cổ trâu, bên trên lưỡi kiếm có kẹp một chùm lá để che giấu lưỡi kiếm không cho thần thánh biết đang sát sinh. Trong lúc ông Săm lé chém trâu, thầy Bóng chính và hai thầy Bóng phụ phải rời xa con trâu và cùng nhìn về hướng Đông chứ không được nhìn vào con trâu đang bị chém.

Trước khi đưa thanh kiếm báu trở vào đền, ông Săm lé dùng kiếm chặt chùm lá thấm đỏ máu trâu bỏ xuống lỗ và cầu khấn cho linh hồn trâu được giải thoát về cõi trên. Kế đó thầy Bóng chính lấy kiếm mổ tượng trưng lên bụng trâu rồi cùng trở vào đền. Khi đến sân đền, thầy Bóng chính dùng kiếm chặt một đống cành lá để sẵn làm nơi lót thịt trâu theo tập tục, vào đến cửa đền thầy Bóng chính dùng mũi kiếm hất chùm lá chuối đậy sẵn trên một chai rượu để mời các vị thần dùng rượu lai rai với con gà nướng trước khi dân làng nấu chín các món thịt trâu dâng lên các vị thần. Thịt trâu dâng tế thần gồm các món: luộc, kho, xào, canh… riêng 4 chân, đuôi và 2 cái tai trâu phải để sống nguyên lông và lưỡi, đôi mắt, óc trâu luộc chín để riêng dâng tế cho thần.

Nghi lễ dâng tế thịt trâu cho thần cũng do thầy Bóng chính và hai thầy Bóng phụ thực hiện, động tác và lời khấn giống như nghi thức cầu khấn xin phép thần làm lễ chém trâu vào sáng hôm đó.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:54 am

Bài chòi

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung, phổ biến từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Cũng như hát bộ, bài chòi ra đời từ dân gian. Nhưng hát bộ đi vào cung đình để trở thành nghệ thuật bác học, còn bài chòi phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động ở nông thôn.


™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1163259_1 Văn chương bài chòi là văn chương bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất thơ.
Nói về nguồn gốc của bài chòi, theo ông Phan Ngạn - nghệ sĩ ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian Bình Định cho biết: từ thời xa xưa, cứ vào dịp xuân về, trong gia đình, trong từng nhóm dân cư thường tổ chức chơi bài (tứ sắc, tam cúc...). Người ta chơi trên chiếu, quây quần từ 5-10 người. Cuộc vui có tính chất hạn hẹp và đơn điệu. Về sau người ta mới sáng tạo xây chòi cao, giống như nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc ở vùng núi Tây Nguyên. Như vậy có bài, có chòi nên mới gọi là bài chòi. Đầu tiên đặt ra đánh bài chòi, người ta sáng tác những câu hò, những làn điệu dân ca, rồi xuất hiện các nghệ nhân mà điển hình là “Anh hiệu”.

Vào dịp Tết hay lễ hội, người ta tổ chức đánh bài chòi ở các thôn làng. Một thôn nhiều khi có từ 2 đến 3 điểm chơi, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay ở nơi họp chợ. Người ta dựng 9 cái chòi tre, mái lợp tranh, chòi cao cách mặt đất 2m, được lót khịa tre để khoảng từ 4-5 người ngồi chơi. Bộ bài chơi là bộ tam cúc, gồm 27 hoặc 30 cặp, chia làm 3 pho: Văn, Vạn, Sách. Mỗi pho có 9 hoặc 10 cặp bài có tên gọi riêng. Tùy theo mỗi tỉnh, tên gọi các con bài thay đổi như sau: Một: nhất trò – Hai: nhì nghèo, nhì bí – Ba: tam quăng, ba bụng - Tứ: tứ cẳng, tứ giống... “Anh hiệu” nhân vật chính của đánh bài chòi, có kiến thức văn chương, độc diễn cùng với tiếng trống, tiếng đàn cò, phèng la...

Văn chương bài chòi là văn chương bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất thơ. Khi con bài rút ra, anh hiệu bắt đầu hô những câu thai liên hồi kỳ trận, những lời khôi hài, dí dỏm, người lớn cười đám trẻ cũng cười và mê đến ngẩn tò te. Những người ngồi chơi niềm vui đong đầy với tâm trạng thấp thỏm, hồi hộp. Đối với dân sành đánh bài chòi thì chỉ cần nghe câu hò đầu tiên là có thể đoán con bài. Ví dụ: con ba bụng, ở Quảng Nam Đà Nẵng hô: Chồng nằm chính giữa / Hai vợ hai bên / Lấy chiếu đắp lên / Gọi là ba bụng / Huơ ba bụng! Khi gặp con nhất trò thì ở Bình Định hô: Đi đâu mang sách đi hoài / Cử nhân không đậu, tú tài cũng không.

Đánh bài chòi là một trò chơi giải trí mang tính chất văn chương bình dân. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui dịp đầu năm, chứ không tính ăn thua đỏ đen.

Bài chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng. Từ một nghệ nhân ban đầu là “Anh hiệu” đóng đủ mọi vai khi bài chòi có tính cách tự sự, về sau xuất hiện nhiều nghệ nhân và hình thành một sân khấu hẳn hoi như sân khấu tuồng truyền thống. Những làn điệu dân ca đã tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông... Khoảng thời gian trước đây, khi các phương tiện truyền thông còn nghèo nàn thì hát bài chòi là món ăn tinh thần của mọi người dân ở vùng nông thôn. Khi có một gánh hát bài chòi về ở địa phương nào là mọi người dân từ già đến trẻ đều đi xem, hết đêm này đến đêm khác.

Có thể nói gần 100% người dân miền Trung, đặc biệt là người dân Bình Định đều mê bài chòi. Giáo sư Hoàng Chương, phụ trách Hội đồng hương Bình Định ở Hà Nội nói: “Vào những năm chống Mỹ, cứ mỗi lần tổ chức một cuộc họp, dù rộng hay hẹp đều có yêu cầu hát bài chòi. Những diễn viên của Đoàn Bài chòi Liên Khu V như Điệp Nữ, Quỳnh Em, Hạnh Nguyên, Văn Mùi... khi cất lên những điệu xuân nữ, xàng xê, hồ quảng... thì cả hội trường như lắng xuống để uống hết các âm điệu ngọt ngào của tiếng hát quê hương!”.

Trong các hội thảo về ca kịch bài chòi, có hai ý kiến của hai nhà nghiên cứu là Mịch Quang và Lệ Thi thường đối nghịch nhau. Mịch Quang thì luôn bảo vệ quan điểm giữ bài chòi cổ và chỉ nên gọi là “hô bài chòi”, không nên dùng từ “ca hoặc hát bài chòi”. Còn Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi thì kiên trì đi theo xu hướng cải tiến bài chòi, cách làm mà bà đã thành công trong nhiều vở như Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên...

Rõ ràng cả hai ý kiến đều có những lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mỗi người. Nhiều người cho rằng ở Bình Định còn giữ phong cách và mực thước của bài chòi cổ nếu được xem vở Thoại Khanh – Châu Tuấn, một vở diễn đã ra đời và thành công cách đây hơn 40 năm và cho đến nay vẫn tồn tại ở nhiều đoàn bài chòi khắp miền Trung. Trong vở này chỉ sử dụng có 4 làn điệu là xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hồ quảng, thế mà không thấy đơn điệu chút nào. Người nghe cảm nhận lời ca xoáy sâu vào lòng, rồi đọng lại những dư âm không bao giờ tan biến.

Vào năm 1962, Đoàn Dân ca Kịch Bài chòi Bình Định được thành lập, tiền thân của nó là Đoàn Nghệ thuật Bài chòi Liên khu V. Tên đoàn chắc chắn cho ta rõ là bài chòi đã theo hướng phát triển của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, với những nghệ sĩ danh tiếng như nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm, Hoài Huệ, Hồ Thu... Đến năm 2002, đoàn kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Các nghệ thuật truyền thống nói chung, dù hay đến đâu, đẹp đến chừng nào cũng còn những nhược điểm mà các thế hệ nghệ sĩ phải tiếp thu, đồng thời phải cải tiến. Vấn đề này, Bác Hồ đã nói: “Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, chớ dẫm chân tại chỗ, song đừng gieo vừng ra ngô!”.

Do đó, nếu chỉ chú ý cái gốc mà quên sự vận động của nó thì chưa chắc đã tìm ra cái bản chất của văn hoá dân tộc. Nếu chỉ đi tìm cái gốc và chỉ giữ gìn cái gốc sẽ rơi vào “nệ cổ”. Nhưng ngược lại, nếu gạt bỏ cái cổ thì rồi sẽ rơi vào một thứ hư vô mất gốc. Vì vậy trong vốn cổ hiện nay, trong đó có bài chòi, các nhà nghiên cứu, sáng tạo, còn cần phải tìm ra sự phát triển cho nó.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:56 am

Lễ hội “Nào Cống”

Từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian. Ngôi miếu dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ “Nào Cống” của cả vùng thung lũng Mường Hoa.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1136903_1

Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy ở Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ làm lễ “Nào Cống”. Mỗi gia đình cử một người đại diện (có thể là chồng hoặc vợ), không phân biệt nam, nữ, già, trẻ. Lễ “Nào Cống” có 3 phần: Phần nghi lễ cúng thần, phần công bố quy ước chung cả vùng và phần ăn uống.

Ngôi miếu thờ được người Mông gọi là “Chế đáng” (Tsêr đăngz). Miếu thờ có 3 gian, gian giữa thờ hai viên quan họ Đào, họ Nguyễn đã có công an dân và xây dựng Mường Hoa. Một gian bên trái thờ thần núi (Sơn thần), thần Suối Hoa (Long Vương), người Giáy gọi là “Sía po”, “Sía ta”, người Mong gọi là “Thủ Ti”, “Lùng Vàng”. Một gian bên phải thờ các bà nàng vợ hai ông quan họ Đào, họ Nguyễn. Lễ Vật dân cúng là trâu đen, lợn đen và gà vịt do các làng đóng góp mua. Làng Tả Van Giáy còn có trách nhiệm chuẩn bị vàng hương, bát đĩa dâng cúng.

Trước đây, người chủ lễ phải mời thầy mo người Tày của Mường Bo. Từ thập kỷ 40 – 50 của thế kỷ này, chủ lễ là thầy mo của người Giáy ở Tả Van. Thầy mo ăn mặc áo dài, quần thụng (kiêng đội mũ, khăn) trịnh trọng đọc lời cúng các thần kinh. Nội dung bài cúng là mời các thần về dự lễ, cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, được mùa. Sau lễ cúng, chức dịch Mường Hoa lên đọc quy ước chung của cả Mường... Nội dung bản quy ước đề cập đến 4 vấn đề:

- Vấn đề trị an của các làng: không được trộm cắp, có biện pháp phòng ngừa kẻ xấu nơi khác đến trộm cắp.

- Vấn đề bảo vệ rừng: Các làng người Mông, người Dao, người Giáy, phải chú ý làm rẫy, cấm lấy củi hái măng ở khu rừng cấm thờ thổ thần và khu rừng chung đầu nguồn nước của làng...

- Vấn đề chăn dắt gia súc : Quy ước có quy định cụ thể thời gian cấm thả rông gia súc. Hàng năm từ ngày 15 tháng chuột (tháng 10 âm lịch) đến này Thìn tháng giêng (ngày mở hội xuống đồng) người dân mới được thả gia súc. Ngoài khoảng thời gian trên, cấm mọi người thả rông gia súc để tránh bị phá hoại mùa màng.

- Vấn đề ứng xử xã hội: Các quy ước của cả vùng đều đề cập đến quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giúp gia đình có tang... đồng thời phê phán quan hệ nam nữ không lành mạnh, “Cấm kéo đàn bà, con gái vào trong núi”... Kết thúc phần đọc các quy ước, người chức dịch còn nhấn mạnh “Hôm nay, tôi nói cho mọi người biết như thế, từ đây mọi người trở về nhà phải tuân theo những lý lối này và kể cho cả nhà được biết để tuân theo”.

Khác với lễ “Nhặn sồng”, “Nào sồng”, lễ “Nào Cống” không tổ chức bàn bạc thảo luận quy ước, mọi người đến dự chỉ có trách nhiệm tuân theo quy ước do chức dịch đã phổ biến.

Kết thúc phần phổ biến quy ước, mọi người dự lễ “Nào cống” đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng cảm. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu. Trong miếu, chỉ có các chức dịch (lý trưởng, phó lý, thầy mo) được ngồi ăn. Trong làng, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:57 am

Lễ hội rước Đất, rước Nước

Lễ hội rước Đất, rước Nước của người Tày - Bắc Hà diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm để cầu xin Mẹ Đất, Mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ quanh năm.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1116353_1

Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị (là những người chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống gia đình yên bình khoẻ mạnh)… đi lên ngọn núi Pản Phố - nơi có nguồn nước trong nhất bản - rước hồn Đất, hồn Nước về dự hội.



Đi đầu đoàn rước là thầy cúng. Thầy là người giữ vai trò làm sứ giả để giao tiếp với các vị thần linh. Trong tay thầy cầm cây nêu - biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở - rước đến địa điểm diễn ra lễ hội. Tiếp theo là kiệu rước Nước và các mâm lễ. Nước được đựng trong hai ống bương to, tượng trưng cho ống bố, ống mẹ. Tiếp đến là kiệu rước Đất - hồn mẹ Đất được lấy từ trên đỉnh núi cao thiêng liêng. Sau đó là đến các mâm lễ để dâng các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn, bên trong các quả còn đựng các loại hạt giống do các cô, các chị kỳ công làm ra, các mâm xôi ngũ sắc, gà luộc, hoa quả… đều là những sản vật tinh tuý của mùa màng – thành quả sản xuất của dân bản trong năm. Đội chiêng trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy giao linh với các vị thần.

Địa điểm tổ chức lễ hội là cánh đồng rộng của bản. Khi các đoàn rước tới nơi, ba hồi kèn trống nổi lên vang động đất trời, thấu đến chín tầng cao xanh như báo cho Trời - Đất biết: Ngày hôm nay dân làng mở hội. Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu khấn.

Tiếp đó, thầy cúng phun nước làm phép để xua các điều xấu, xua quỷ dữ không cho về quấy phá dân bản. Rồi thầy tung lộc (ngô, lúa) của thần linh cho dân bản, những người dự hội ai cũng cố gắng nhận cho được vài hạt thóc, hạt ngô đem về nhà làm phước may mắn để nhà mình vụ sau ngô sai hạt, lúa sai bông.



Sau phần lễ nghi trên, mọi người bước vào phần hội với những màn xoè điệu nghệ của các cô gái, chàng trai. Khi các màn xoè kết thúc là các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, chọi gà, chọi trâu (bằng bắp bi chuối và măng), ném còn… bắt đầu. Dù là ngày hội của người Tày nhưng các dân tộc khác trong vùng cũng đến dự rất đông vui.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:58 am

Lễ "Pa Sưm" của người Khơ Mú

Người Khơ Mú ở Nghệ An thường làm lễ Pa Sưm trước lúc tra hạt trên nương rẫy. Đây là lễ cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh cho nương rẫy được bội thu.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1116323_1 Mẹ lúa bảo mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ cho sạch, đứng trước chòi lúa

Chủ lễ là người phụ nữ trong nhà. Bà đóng vai Mẹ lúa, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Trước tiên, Mẹ lúa dọn một khoảnh đất khoảng 2m2, đủ để đặt mâm làm lễ cúng ở một chỗ tương đối bằng phẳng trên rẫy, gọi là Mắt rúc. Mẹ lúa đặt mâm cúng vào giữa Mắt rúc, trong mâm ngoài xôi, rượu, muối nhất thiết phải có một con gà luộc và con gà này phải là gà trống lông đen. Mẹ lúa trong trang phục cổ truyền chỉnh tề, trước mâm lễ đọc bài cúng, nội dung cầu khấn Hrôi Yvang (Thần Ông trời) làm cho mưa thuận gió hòa, Hrôi Ptê (Thần Đất), Hrôi Hrê (Thần Nương rẫy) làm cho hạt giống mau nẩy mầm, lên xanh tốt, bông to, hạt mẩy, muông thú không phá hoại.

Mẹ lúa làm lễ xong, mọi người bắt tay vào tra hạt. Tra hạt xong Mẹ lúa làm lễ tưới nước, kết thúc lễ Pa Sưm. Vào buổi chiều tối ngày tra hạt xong, Mẹ lúa bảo mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ cho sạch, đứng trước chòi lúa. Sau đó, Mẹ lúa cầm ống nước đi vòng quanh chòi lúa, tưới nước ra xung quanh, vừa làm vừa khấn: "Tưới cho cây lúa mọc, cho cây lúa nẩy mầm, cho hạt chắc bông dài, gốc lúa bằng gốc lau, bông lúa dài bằng quả núc nác…". Mẹ lúa khấn xong mọi người vào chòi ăn cơm, uống rượu, kết thúc công việc tra hạt.

Lễ Pa Sưm là một lễ trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú. Nó phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên (trời, đất, nương rẫy…) có linh hồn, phản ánh ước muốn của họ về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 8:59 am

Lễ cưới của dân tộc M’nông Preh ở Tây Nguyên

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1116299_1 Mọi người cùng uống rượu, ca hát, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng rộn rã suốt ngày đêm

Lễ cưới của dân tộc M’nông Preh là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc riêng biệt của người M’nông. Phong tục hôn nhân của người M’nông Preh gồm mấy bước: Lễ ngỏ lời, Lễ dạm hỏi, Lễ cưới.



Khi chàng trai tìm được cô gái vừa ý, chàng tặng cô gái một cái lược, một chuỗi hạt hoặc một vòng đeo tay để làm tin. Sau đó, chàng trai về thông báo với bố mẹ và xin ý kiến. Nếu đồng ý, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ ông mối mang lễ vật đến nhà gái. Lễ vật gồm: một con gà, một con dao và ống măng chua. Khi nhà gái bằng lòng, ông mối sẽ thay mặt nhà trai bàn bạc với nhà gái về Lễ dạm hỏi.

Đến ngày đã định, nhà trai cử một người già có uy tín cùng một số trai tráng khỏe mạnh mang lễ vật đến nhà gái. Tùy từng nơi, từng gia đình mà sính lễ khác nhau. Lễ chính gồm: một con trâu hoặc lợn, một gùi măng chua và da trâu mối, một ché rượu cần nhỏ. Nhà gái cử một vị cao tuổi nhận lễ vật rồi bày lên chiếc chiếu hoa ở giữa nhà để cúng Giàng xin làm Lễ dạm hỏi. Xong xuôi hai bên nhà trai, nhà gái mới tiến hành bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.

Lễ cưới sẽ được tổ chức ba ngày liền ở nhà gái. Hôn lễ được mở đầu bằng việc nhà gái đem biếu nhà trai mỗi người một bát gạo đầy, tượng trưng ý nguyện cầu mong cuộc sống họ luôn luôn no đủ. Mỗi bát gạo tương đương một ché rượu mà nhà trai tặng nhà gái. Ông mối sẽ đóng luôn vai trò người chủ hôn. Ông dẫn đôi uyên ương đến bên cột nhà chính. Hai người làm chứng đại diện cho hai họ cầm chiếc khăn buộc vào cột nhà. Chủ lễ cầm tay đôi vợ chồng trẻ nắm vào chiếc khăn, ý nói tình cảm hai người đã được buộc chặt, luôn gắn bó bên nhau. Sau đó chủ lễ dặn dò chú rể, cô dâu về đạo vợ chồng và trách nhiệm của mỗi người đối với cha mẹ, gia đình họ hàng.

Tiếp sau đó là người làm chứng, họ xúc cho hai vợ chồng mỗi người ba muỗng cơm và cũng được đôi vợ chồng phúc đáp lại. Sau nghi thức này, ông mối đưa cần rượu để hai vợ chồng trẻ uống đầu tiên mở màn cho lễ uống rượu mừng ngày cưới. Những ché rượu được cột sẵn ở Cột buộc ché rượu theo hàng dọc giữa nhà. Mọi người cùng uống rượu, ca hát, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng rộn rã suốt ngày đêm. Những người đến dự đám cưới mang theo rượu, thuốc lá, gạo nếp .. góp vào ngày vui của gia chủ. Lễ cưới còn là dịp để các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau. Sau lễ cưới còn có lễ rước rể vào ngày hôm sau. Cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà bảy ngày, không được ra khỏi nhà tránh gặp mặt người lạ. Hết thời gian kiêng cữ, họ trở về nhà trai bảy ngày, sau đó về bên nhà gái ở trọn đời.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:02 am

Mái đình - nét đẹp trong hồn quê Việt Nam

Có lẽ nói đến văn hoá làng, một nét văn hoá của nông thôn Việt Nam, chúng ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh rất đặc trưng, làm nên biểu tượng của làng quê. Đó là những hình ảnh của "cây đa, bến nước, sân đình, bụi tre, vườn cây, ao cá...".

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1129733_1 Mái đình như vậy đã có từ ngàn xưa, gợi nhớ một di tích cổ kính thân tình

Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2000, đình được định nghĩa là "Nhà công cộng của làng thời trước, dùng làm nơi thờ thành hoàng và họp việc làng". Như vậy, đình trước hết là một địa điểm mang nghi thức tôn giáo, sau đó mới là nơi hội họp hoặc sinh hoạt mang tính cộng đồng. Hiển nhiên là, đình phải là một công trình kiến trúc tiêu biểu, to lớn, đẹp và trang nghiêm.

Cái đình trang trọng và thiêng liêng là thế, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Nhưng đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đình lại trở thành một nơi thân quen gần gũi với mọi người. Đình, đình làng còn được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến mái đình. Nói đến mái là ta nghĩ tới những kết hợp từ như mái nhà, mái trường, mái rạ, mái ấm tình thương... Nó là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nói tới mái đình, người Việt đã làm cho ngôi đình tôn nghiêm trang trọng trở nên thân quen gần gũi hơn:

Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
(Ca dao)

Đình (ở giữa hay đầu làng) là nơi thân quen, qua lại, gặp gỡ hàng ngày. Đình được chọn làm hình ảnh để ví von về niềm thương nỗi nhớ: “Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu". Mái đình dài rộng, cong như hình mũi hài, lợp bằng lớp lớp ngói âm dương (còn gọi là ngói ta). Phải biết bao nhiêu viên ngói mới làm nên mái đình đẹp và vững chãi. Vì vậy, người đời lấy nó để ví von về tấm lòng thương mến của mình với người thân, như người ta ví von với lá rừng: "Đố ai quét sạch lá rừng".

Mái đình như vậy đã có từ ngàn xưa, gợi nhớ một di tích cổ kính thân tình. Mái đình lại theo ta vào cuộc sống mới và hình ảnh đậm nét về nó không hề phai nhạt trong cuộc sống của người Việt Nam hôm nay. Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc nổi tiếng, khi nói về sự chia tay giữa người ở chiến khu với người về Thủ đô khi kháng chiến chấm dứt, đã có những dòng thơ thật xúc động:

Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào

Hình ảnh mái đình, cây đa cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc trong suốt bài thơ, làm người đọc xốn xang về sự gắn bó giữa con người, cảnh vật, quê hương, đất nước đã qua một thời chiến tranh gian khó. Ở đây, mái đình, cây đa là nơi hội tụ bao kỉ niệm, bao niềm thương nhớ. Mái đình năm xưa vẫn đẹp, và giờ đây càng đẹp hơn, đằm thắm và sâu nặng nghĩa tình. Nhà văn Đoàn Giỏi, trong bài tuỳ bút Măng tầm vông đã có những dòng thật cảm động, mô tả tâm trạng của người con miền Nam tập kết ra Bắc, ngồi trên thuyền nhìn lại xóm làng của mình lần cuối: “Tôi đứng mãi trên boong, chờ đợi phút qua ngang nhà. Làng tôi, xanh ngắt những tàu dừa, tàu chuối. Mái đình cháy hơn một nửa, nhô ra giữa rặng cây. Bờ tầm vông thấp thoáng, ngọn tầm vông hoe vàng trong ánh nắng một chiều thu".

“Mái đình cháy hơn một nửa" - vết tích của chiến tranh tàn phá, như một nỗi đau gieo giữa lòng nhà văn, một người con sắp tạm rời xa xứ sở. Đấy là nỗi đau đau đáu của dân tộc bao nhiêu năm.

Đó là một mảnh hồn quê, làm nên nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người và toả sáng trong những áng thơ văn.
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:04 am

Cây đa-biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam

Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là "cây đa, cây đề", biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1128813_1

Cũng với ý nghĩa trường tồn ấy, cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người:

Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ

Hầu như làng quê truyền thống nào ở Bắc Bộ cũng có những cây đa cổ thụ được trồng thường ở đầu làng, cuối làng, giữa làng và ở bên cạnh các di tích. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa. Với người dân quê, gốc đa là nơi bình đẳng nhất, không có sự phân biệt ngôi thứ:

Không tiền ngồi gốc cây đa
Có tiền thì hãy lân la vào hàng

Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thỏa thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò chơi dân gian. Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau những giờ lao động mệt nhọc, trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái:

Em đang dệt vải quay tơ
Bỗng đâu có khách đưa thơ tới nhà
Hẹn giờ ra gốc cây đa
Phượng hoàng chả thấy thấy gà buồn sao.
™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1128811_2

Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa. Tục ngữ có câu:

"Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề"

Hay:

"Cây thị có ma, cây đa có thần"

Cây đa xanh tốt tỏa bóng làm cho các di tích trở nên linh thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng hơn với thiên nhiên. Cây đa được coi là nơi ngự trị của các thần linh dân dã và các linh hồn bơ vơ. Cây đa nào càng già cỗi, càng xù xì, rậm rạp thì càng gắn bó với thần linh. Gốc đa ở các di tích thường được dân chúng thắp hương chung để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh dân dã hoặc cầu cho những linh hồn bơ vơ về nương nhờ lộc Phật không đi lang thang quấy nhiễu dân làng.

Như vậy, cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Phải chǎng chính sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống bền lâu trong vǎn học dân gian, vǎn thơ bác học và trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:06 am

Hữu tình Côn Sơn

... Côn Sơn có suối, nước chảy rì rầm làm đàn cầm
Côn Sơn có đá, mưa xối rêu xanh đậm, ta lấy làm chiếu thảm
Trong núi có thông, muôn dặm rờn biếc một vùng, ta tha hồ nghỉ ngơi
Trong rừng có trúc, ngàn mẫu in biếc lục, ta tha hồ ngâm nga bên gốc…

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1126833_2

Côn Sơn tức núi Kỳ Lân, hay tên dân gian quen gọi là núi Hun, cao gần 200m, dài trên 1km, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phía bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238m, trên đỉnh có miếu thờ thần gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ; phía tây tiếp nối núi U Bò, có một thung lũng xanh tươi, những mái nhà tranh ẩn hiện trong lũy tre làng; phía đông là chùa và hồ Côn Sơn; hướng đông bắc có một quả núi hình hoa sen quanh năm tươi tốt có tên là Bài Vọng - nơi để di hài Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi; phía nam là xóm núi Tiên Sơn và bãi giẽ thanh hao tương truyền do bà Trần Nguyên Đán trồng.



Chùa Côn Sơn, tục gọi là chùa Hun, được dựng vào thế kỷ 13, đến thế kỷ 17-18 đã được trùng tu mở rộng và mấy năm gần đây được tôn tạo lại. Chùa được kiến trúc 83 gian, có 385 pho tượng, trong đó có những tượng cao 2-3m. Quanh chùa có 14 bia đá từ thời Hậu Lê. Sau chùa là nhà tổ, trong có tượng thờ quan Tư đồ phụ chính Trần Nguyên Đán cùng ba vị tổ: Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, rồi đến Pháp Loa và Huyền Quang. Vị tam tổ Huyền Quang, theo điển tích, đã giữ được tấm gương lòng sắc sắc không không, vượt qua thử thách dục tình của cung nữ Điểm Bích - người được vua Anh Tôn cử đến kiểm nghiệm xem sư Huyền Quang có ức chế được tình dục hay không ? Sau khi sư tổ viên tịch, vua Trần Minh Tôn lệnh xây tháp cho ông phía sau chùa Côn Sơn gọi là Tháp Huyền Quang hay Đăng Minh bảo tháp, bên Thanh Hư động nổi tiếng. Ngày mất của ông cũng được lấy làm ngày hội mùa xuân Côn Sơn (22-1 Âm lịch).

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1126837_1

Thắp xong tuần hương ở nhà thờ tổ, mời bạn bắt đầu hành trình lên bàn cờ Tiên - cũng là đỉnh Côn Sơn. Hơn 900 bậc đá xếp uốn lượn qua các đồi thông rì rào, gió lồng lộng thổi quấn quít hương vị ngai ngái nồng nồng của thông mã vị... Trên đỉnh là khu đất bằng phẳng còn nền di tích của một kiến trúc cổ hình chữ công. Bốn phía trập trùng đồi cây, mênh mông sông nước Lục Đầu Giang, ngửa mặt lên thăm thẳm trời xanh, bạn sẽ thấy khoáng đạt tầm mắt, mở mang tâm hồn, cảm nhận được thanh khí thiên nhiên, dễ dàng tìm được mình trong cõi hư vô… Xa thêm nữa về hướng đông bắc, theo đường núi 5km, len lỏi qua thung lũng xanh tươi, qua làng quê êm đềm, bạn sẽ đến thăm đền Kiếp Bạc - một di tích lịch sử nổi tiếng - nơi lưu giữ nhiều vật tích quý báu cùng biết bao truyền thuyết ly kỳ về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bắt đầu hội Kiếp Bạc (16-8 Âm lịch) là ngày mất của Nguyễn Trãi thì kết thúc hội là ngày mất của Trần Hưng Đạo (20-8 Âm lịch). Mấy năm gần đây, hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành một lễ hội lớn, thu hút rất nhiều khách thập phương trong và ngoài nước.

Sáu thế kỷ trước, Côn Sơn như cảnh thần tiên hiện dưới ngòi bút của Phi Khanh: "Khói đầu non, ràng ngoài đảo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới...". Giờ đây, qua năm tháng phôi phai, thiên nhiên môi trường ở đây đang xuống cấp nghiêm trọng. Dù cảnh quan đã đổi thay, con người cũng trở nên vô tình với thiên nhiên hơn, nhưng hồ xưa khí thiêng vẫn còn đó, Côn Sơn vẫn đang mơ ước đến ngày mai sẽ, "… có bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn người ta ở đây có đủ cả...".
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:09 am

Lễ rước Mục Đồng

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1252247_Truyenthong Đình Thần Nông làng Phong Lệ

Lễ rước Mục Đồng - lễ hội dành cho trẻ chăn trâu - ngày xưa được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Theo cụ Ngô Tấn Nhã, là ’lão làng’ của Phong Lệ, tuổi đã trên 90, thì ngày trước, theo lệ cứ đến các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, nghĩa là cách 3 năm, làng lại tổ chức Lễ rước Mục đồng một lần. Sau dãn dần ra sáu năm, rồi cuối cùng 12 năm mới tổ chức một lần. Lần cuối cùng được ghi nhận là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936).



Chuyện kể rằng, làng Phong lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giánh hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng.



Từ hạ tuần tháng ba âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất là lúc các công việc sắp đặt cho lễ hội bắt đầu. Để phục vụ cho lễ rước, ngoài việc cắt cử các chức sắc lo việc tế lễ, dân làng Phong Lệ phải chuẩn bị cho một cổ kiệu hai đòn khiêng có giăng hoa, kết trái tươm tất và phân công cho bốn mục đồng khỏe mạnh khăn đóng, áo dài giữ phần khiêng kiệu. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có cờ lớn của 13 tộc họ ngày đó. Cờ lớn cán bằng tre dài khoảng 5 mét, có khoan lỗ đút cây ngang qua để treo các con giống, nào là tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng, dần, nia...
Chuẩn bị đâu vào đó, chiều 29/3 âm lịch làm lễ dạo đồng. Đây là lúc con cháu sinh sống ở các nơi xa kèo về đông đủ. Mục đồng cầm cờ dạo quanh các cánh đồng tỏ ý cầu cho được mùa



™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1252257_tre-chan-trau

Sáng ngày 30, chính thức diễn ra lễ rước. Lễ bắt đầu vào sáng tinh mơ ngay giữa đình thần. Sau khi hương khói, khấn lễ, Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái, cung kính thỉnh bài vị thần nông nâng cao ngang mày rồi quỳ xuống vào đặt vào trong kiệu. Kiệu rước được bài trí như kiệu rước thần, cỡ 80 x 100 cm, nóc kiệu có 4 mái, rèm kiệu được giăng hoa kết đèn rực rỡ, do 4 mục đồng khiêng. Đoàn người cờ xí xếp hàng đâu vào đấy, chiêng trống lại gióng giã vang lên; tất cả mục đồng hướng vào chánh điện đồng loạt chắp tay xá ba cái rồi đám rước dài lượt thượt đi qua đường làng, hướng về Cồn Thần, trong tiếng nhạc rộn rã của phường bát âm và cờ xí rợp trời. Đến Cồn Thần, kiệu thần hạ xuống. Trùm Mục quỳ trên chiếc chiếu hoa, ngửa mặt lên trời lầm rầm khấn giữa 2 hàng đuốc chập chờn hư ảo. Sau một hồi lâu khấn vái, Trùm Mục gieo 2 đồng tiền vào cái đĩa con trước mặt: một sấp, một ngữa. Thế là thần đã giáng! Một hồi sênh nổi lên, tiếp đó là ba hồi chiêng trống. Rồi, trống cơm, phường bát âm cùng tấu những âm điệu rộn rã chào mừng. Sau 3 tiếng sênh làm hiệu, Trùm Mục dõng dạc xướng: “Chúng Mục Đồng Phong Lệ tạ! Xin cho tốt lúa, tốt gieo, vũ thuận, phong điều! Đồng reo một tiếng’...



Đoàn Mục Đồng đồng reo vang trời và cầm cờ nối đuôi theo vị Trùm Mục chạy tới, chạy lui, quanh đi, quẫn lại chung quanh tảng đá trắng giữa cồn thần. Một lúc sau, đám rước rồng rắn quay trở lại đình thần trong tâm niệm tôn kính là trên kiệu đã có vị thần thiêng liêng của mình.



Trời vừa sáng, đám rước về đến đình làng. Sau đó là lễ đặt bài vị và lễ dâng vật cúng của dân làng. Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước đám mục đồng. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp ba gian đình, ai nấy đều hoan hỉ vì tin rằng lòng thành của mình đã được thần mục chứng giám; và ngày mai, đồng ruộng sẽ tốt tươi
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:11 am

Nét đẹp ngày giỗ Tổ

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1301094_5.5 Đất tổ Phong Châu ngày giỗ Tổ

Tự hào là con Rồng cháu Tiên của mảnh đất Lạc Việt hơn 2000 năm trước. Trải qua bao đời, qua biết bao cuộc chiến tranh quyết liệt chống ngoại xâm, dòng giống đó ngày càng tự hào phát triển.



"Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ về giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười".



Câu ca đã có tự nghìn xưa thể hiện nét đẹp của người Việt ta. Dù ở đâu, làm gì cũng hướng về nơi cội nguồn mà dòng giống tổ tiên của người da vàng tóc đen... được sinh ra. Đó là giỗ Tổ Hùng Vương.



Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, bao cuộc đổi thay, nhưng văn hoá người Việt vẫn còn được gìn giữ bảo tồn. Nhớ và hướng về cội nguồn - Phú Thọ - nơi trị vì của 18 đời vua Hùng Vương huyền sử, đã khai sinh ra nước Văn Lang - là truyền thống văn hoá của người Việt.



Giổ Tổ Hùng Vương là Quốc giỗ. Năm chẵn, Nhà nước tổ chức, năm lẻ do tỉnh tổ chức giỗ. Rồi người lao động được nghỉ lễ trong ngày này, bà con thập phương kéo về dâng hương lễ các đền thờ tại Phú Thọ...



Rồi chính quyền sở tại các tỉnh thành cũng tổ chức dâng hương các vua Hùng ngay tại địa bàn của mình. Những chiếc bánh chưng, bánh dày kỷ lục được kỳ công gói nấu từ phương Nam đem ra dâng ngày Lễ rất rầm rộ...



Tất cả đều hướng về ngày Quốc giỗ với tấm lòng chân thành. Không khí cả nước tưng bừng trong ngày giỗ Tổ...



Nhưng, cũng trong ngày 10/3 âm lịch này, nếu mỗi nhà thắp một cây nhang lên bàn thờ tổ tiên hay mỗi tự đường họ tộc, mỗi đình làng của thôn xóm... cùng dâng hương lễ lên tổ tiên ông bà để tưởng nhớ về ngày Quốc giỗ thì hay biết mấy!



Đành rằng, ông bà của họ tộc, của mỗi gia đình có thờ cúng từng ngày cụ thể, còn ngày Quốc giỗ là giỗ Tổ. Nhưng một ít lễ vật hay nén hương dâng lên tại đình làng trong ngày giỗ Tổ cùng tiếng trống tiếng chiên vang lên thì hay biết bao nhiêu!
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:13 am

Mùa hoa ban Tây Bắc

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, thời tiết nắng ấm, ở vùng Tây Bắc hoa ban bắt đầu nở trắng núi, trắng rừng. Lúc này cũng là thời kỳ lúa chiêm gặp mưa xuân, xanh mơn mởn trên các cách đồng lúa nước.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1285215_a_hoa-ban2 Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông

Về loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác, lại có tật gù lưng.


Mặc cho cô gái hết lời van xin, người cha vẫn không từ bỏ ý định, và ông đã bàn bạc cùng với nhà tạo mường sửa soạn làm lễ cưới cho hai người. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao.


Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.


Về phần Khum, sau khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, Khum biết được là nàng đã bỏ nhà ra đi, còn đi đâu thì không rõ. Thế là chàng trai lên đường đi tìm người yêu, đi mãi hết mường này, bản khác mà vẫn không tìm thấy bóng người yêu. Cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hoá thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết từ năm nào.


Sơn La, cứ xuân sang, hoa ban nở trắng trên các sườn núi, thì nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, múa xoè, trao và đón nhận tình yêu

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1285211_hoaban Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.

Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng, âm vang truyền lan núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, nhỏ được bê ra để chuẩn bị đãi khách. Đó là những công việc phần lớn thuộc về lớp trung niên và người già. Còn những chàng trai, cô gái thì áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.


Cũng trong ngày hội này, trên dòng Nậm Na, thường diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền. Thuyền trôi nhẹ trên dòng nước; các cô gái duyên dáng che ô ngồi ở mũi thuyền, bên cạnh những bó hoa ban tươi thắm vừa mới hái, cất lên tiếng hát những bài dân ca mượt mà, giãi bày cảm xúc và tâm trạng riêng tư, trong khi các chàng trai ngồi ở phía đuôi thuyền, vừa lái thuyền, vừa đánh đàn tính, thổi sáo.


Người Thái ở huyện Mai Châu (Hoà Bình) lại có thủ tục mở hội Xên bản, Xên mường. Hội mở vào dịp hoa ban nở, nên còn có tên là hội Hoa ban. Hội tổ chức định kỳ hằng năm, nhưng quy mô to hay nhỏ còn tuỳ thuộc vào thời tiết có liên quan đến sự được, mất của mùa màng năm đó. Vào khoảng tháng giêng, người Thái rất chú trọng đến tiếng sấm đầu năm. Theo quan niệm lâu đời của đồng bào ở đây, tiếng sấm là dấu hiệu linh thiêng, là "lời phán quyết của vua trời" có liên quan đến cuộc sống của bản mường, của mùa màng năm đó.


Hội Xên bản, Xên mường mở vào mùa hoa ban nở là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn...

[/u]
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by nh0csieuquaylx Tue Dec 04, 2007 9:14 am

Tết ăn cá của người Thái

Người Thái thường sống ở các vùng ven sông, ven suối nên không những giỏi về chài lưới, đánh cá trên sông suối mà ngày càng giỏi về nuôi thả cả trên đồng ruộng, ao hồ. Vì vậy, cá là món ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Thái, nhất là trong những ngày tết Nguyên đán, cá là món ăn chính không thể thiếu được.

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Images1442046_1

Cứ đến ngày 28, 29 tháng chạp âm lịch dân làng lại đổ ra sông, ra suối bắt cá. Tất cả những con cá họ bắt được, không kể to, nhỏ đều được coi là Thần suối và được mang về làm cỗ cúng.

Người ta chọn con cá to nhất để riêng. Đó là con cá đầu mâm cỗ nên được nướng nguyên con. Số cá còn lại được chế biến theo cách riêng của vùng này như: cá đồ, cá sấy, cá nướng, cá sả, cá độn cơm, cá mọc, cá gói vùi tro bếp, lạp cá “pa lạp”… Đặc biệt món pa lạp là món ăn thật độc đáo thường làm để thết đãi khách quý mỗi khi tết đến xuân về. Từ một con cá, người phụ nữ Thái khéo tay chế biến thành 3 món: món lạp vừa béo vừa cay, vừa có vị chua chát của lá rừng, món chèo gio nướng để chấm xôi nóng và bát canh chua cá để đưa cay.

Còn món cá mọc lại được chế biến theo cách khác. Người ta lọc thịt cá băm nhỏ giống như mọc thịt. Mọc cá này dùng làm nhân bánh bột gạo nếp. Bột nếp được chuẩn bị kỹ như dùng làm bánh dẻo. Mọc cá được gói bên trong bột nếp nà. Sau đó người ta xếp từng lượt vào chõ rồi đồ 30 đến 40 phút. Có loại mọc 3 cá, 5 cá, 7 cá, 9 cá. Đó là số lượng cá dùng làm mọc nhân bánh, mọc 3 cá là dùng 3 con cá làm nhân.

Cá nướng là cá được kẹp que tre thành từng kẹp rồi đem nướng trên than củi từ gỗ rừng. Mỗi kẹp cá từ 3,5,7,9 con cá. Sau khi nướng xong thì cá được đem đồ lại. Khâu cuối cùng là bày mâm cỗ cúng. Con cá nướng đầu mâm được bày ở giữa, chung quanh là cá mọc và cá nướng. Hai loại này chia thành những cụm gần 3, 5, 7, 9 của từng loại. Đây là những con số nhắc nhở từng loại quà của Thần suối ban tặng cô gái xưa kia.

Mâm cúng được kính cẩn dâng cúng gia tiên, thổ công, Thần suối… Đặc biệt, khi các thành viên trong gia đình và khi các thành viên trong gia đình và khách hưởng lộc bao giờ họ cũng chúc tụng nhau: “ối, Mết pí cáu khảu pi mãi, sai pha tốc piêng, sai chiêng tốc piêng, sau chiêng tốc lum, chôm hẩy tay hươm lẩy hảo hăn khăn khang, pi mấi dệt không mẫi lảy mả; pha mất dệt chương mẫi hải pên nơ!”. Lời chúc trên có nghĩa là “Ôi! Hết năm cũ vào năm mới, dây trời rơi xuống bằng mặt đất, dây tết rơi xuống khắp thế gian, chúc cho cả gia đình mạnh khỏe, may mắn, năm mới mở ra chân trời làm ra nhiêu của cải, phát đạt nhé!”
nh0csieuquaylx
nh0csieuquaylx
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 246
Age : 34
Registration date : 01/10/2007

Về Đầu Trang Go down

™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™ Empty Re: ™Nét văn hoá đặc sắc của người Việt™

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết