†_Óc Eo_†
Trang 1 trong tổng số 1 trang
†_Óc Eo_†
Phát hiện năm 1942. Từ tháng 2 đến tháng 4-1944 được Louis Malleret, nhà khảo cổ người Pháp, khai quật lần đầu ở nhiều địa điểm khác nhau trên cánh đồng Óc Eo bên chân núi Ba Thê (thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay). Những công bố sau đó của ông về bằng chứng của vương quốc Phù Nam cổ xưa, ước vào đầu công nguyên đến thế kỷ VII, đã gây chấn động trong giới cổ học thế giới.
Không cao niên về tuổi địa chất nhưng đồng bằng sông Cửu Long lại chứng kiến những bước chân văn minh đầu tiên của con người trên trái đất này. Những gì tìm được sơ bộ khi ấy cũng đã cho thấy dấu vết của thời đại đá mới bước sang thời đại kim khí, cư dân này cũng đã biết canh nông và đã có sự giao lưu với các nền văn hoá trong khu vực rộng lớn từ biển Đông thuộc Thái Bình Dương vươn dài về phía tây tới tận vịnh Bengan thuộc Ấn Độ.
Mất hơn 30 năm gián đoạn do chiến tranh, mãi sau 1975 những cuộc tìm kiếm dấu vết của vương quốc bị mất tích này mới được tiếp tục trở lại. Không chỉ có quanh vùng Óc Eo, dấu tích của vương quốc Phù Nam cổ xưa lần lượt hiện lên từ Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Năm Tước, Gò Rộc Thanh (Long An) rồi ngày một lan toả ra các vùng Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu đến Nam Cát Tiên (miền Đông Nam Bộ).
Chắc chắn những vết lộ này còn chưa dừng lại ở đây nếu nó còn được tìm kiếm xa hơn về hướng Tây Nam trên lãnh thổ của hai quốc gia Campuchia và Thái Lan.
Sự phát hiện ngày một phong phú đã dẫn đến nhiều nhận định khác nhau về vai trò của khu di chỉ Óc Eo trong vương quốc cổ: “Là một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mối quan hệ giao thương Âu - Á khá rộng rãi.
Đồng thời, đô thị Óc Eo xưa cũng là một di tích tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á” (theo Louis Malleret); hay: “vùng di tích quanh núi Ba Thê với phạm vi rộng lớn tập trung nhiều di tích thờ cúng, lăng mộ, thật sự là một trung tâm lớn, đã quy tụ nhiều tinh hoa kỹ thuật - nghệ thuật các mặt của nền văn hoá này. Từ vị trí được xác định như vậy, chắc hẳn vùng này cũng là một trung tâm quyền lực” (nhận định của Lê Xuân Diệm).
Dù là trung tâm tập quyền hay kinh thương, cho đến thời điểm này, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước vẫn thống nhất với nhau rằng, Óc Eo là trung tâm đô hội lớn nhất của toàn bộ nền văn hoá Phù Nam.
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết